Đoàn kết và kỷ luật sẽ thành công khi mọi người có thiện ý |
Câu chuyện được vị giám đốc chia sẻ. Nguồn: Fb. |
Chúng tôi xin được phép chia sẻ câu chuyện trên:
"Không phải việc của tôi
Năm thứ nhất: Tôi là nhân viên thiết kế web. Một ngày nọ, sếp giao cho tôi thiết kế logo và ấn phẩm của công ty. Tôi đã dành một đêm để học một phần mềm mới về thiết kế in ấn, sau đó hoàn thành nhiệm vụ.
Năm thứ 2: Tôi vẫn là một nhân viên thiết kế, sếp yêu cầu tôi hỗ trợ đội bán hàng. Tôi vui vẻ chạy xe máy khắp các con đường, đi giới thiệu sản phẩm mới.
Năm thứ 3: Tôi thành lập Butchi Creative, chúng tôi thiết kế bìa đĩa. Khách hàng hỏi chúng tôi, liệu có thể giúp họ làm MV với mức giá cực thấp. Tôi đồng ý và cùng team bắt đầu sản xuất một trong những MV bằng hoạt hình đầu tiên ở VN.
Năm thứ 4: Tôi dừng hoạt động của Butchi Creative và gia nhập Who Digital. Trong cuộc phỏng vấn, tôi nói rằng tôi sẽ luôn tìm giải pháp cho những gì được công ty giao cho, kể cả những gì tôi không làm được hay không phải việc của tôi. Và tôi đã làm thế trong 8 năm tiếp theo.
Năm thứ 5: Người đàn anh trong công ty xin nghỉ, tôi xin nhận làm cả mảng lập trình ứng dụng Flash. Tôi được thăng chức sau một dự án đầu tiên mò mẫm từng dòng code. Tôi chủ động tham gia cùng cả bên lập trình cơ sở dữ liệu, góp ý kiến cho họ trong những gì họ làm.
Năm thứ 6: Sếp cho tôi xem một website và hỏi tôi liệu có thể học được công nghệ này để áp dụng cho campaign sắp tới không? Tôi nói chỉ cần họ đã làm được ở nước ngoài thì tôi sẽ học được. Tôi được thăng chức sau khi chứng minh điều này.
Năm thứ 7: Trưởng nhóm sáng tạo của công ty là một anh người Philipines đột ngột nghỉ khi đang làm một dự án quan trọng của công ty. Tôi tiếp quản dự án khi chưa có đủ kinh nghiệm. Tôi được thăng chức sau khi hoàn thành xong dự án.
Năm thứ 8 (2011): Công ty dịch chuyển cơ cấu để chuẩn bị cho sáp nhập với tập đoàn Ogilvy. Sếp nói với tôi: tao sẽ trao cho mày cái chức danh của tao là Experience Director, vì mày đúng là như thế.
Có người hỏi tôi: Làm thế nào anh có thể thăng chức mỗi năm một lần như vậy?
Trả lời: Tôi không bao giờ nói "Không phải việc của tôi"."
Người chia sẻ câu chuyện này có tên là Nguyễn Tiến Huy, chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực Digital Marketing. Từ vị trí một nhân viên thiết kế web bình thường, anh đã trở thành giám đốc điều hành của một công ty thuộc lĩnh vực Digital Marketing tại TP. HCM sau những nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ suốt 8 năm trời với bí quyết quan trọng giúp anh thành công "Không phải việc của tôi".
Theo chia sẻ của anh Huy, bí quyết "Không phải việc của tôi" có nghĩa là khi bạn được giao bất kỳ công việc gì, đừng bao giờ nói rằng "Tôi không biết". Dù nó có khó khăn và vất vả đến đâu, bạn hãy dùng thực lực và khả năng để chứng minh rằng bạn chắc chắn sẽ làm được việc đó. Dù cho đó có thể không phải là kỹ năng mà bạn biết hay bạn giỏi nhất thì bằng sự cố gắng và học hỏi, bạn nhất định phải hoàn thành nó theo cách tốt nhất mà bạn có thể.
Chân dung vị lãnh đạo mỗi năm tăng một chức. Nguồn: FB. |
Sau khi câu chuyện của anh Huy được chia sẻ trên mạng xã hội, đã có rất nhiều bạn trẻ ủng hộ và tỏ ra ngưỡng mộ sự tài năng và cố gắng của vị Giám đốc này, coi đó là một bài học sâu sắc, là động lực và tấm gương cho chính bản thân mình.
Câu chuyện chính là bài học sâu sắc về tính chủ động của mỗi người trong bất kỳ công việc nào. Ngày nay, có rất nhiều bạn trẻ có suy nghĩ rằng, khi đi làm ở một công ty nào đó, chúng ta chỉ cần làm đúng và tốt công việc chuyên môn của mình. Nếu không phải việc mà mình không biết hay quá khó khăn thì không cần quan tâm và làm nó nữa. Đó chính là sự "bằng lòng" với bản thân mà sự "bằng lòng" đó sẽ chỉ khiến cho bạn luôn giậm chân tại chỗ mà không bao giờ tiến bộ được.
Những vấn đề khó khăn đôi khi lại chính là cơ hội để bạn được thử sức và thể hiện tài năng của mình. "Ngại khổ, ngại khó" hay đôi khi là sự lười biếng, ngại phải tiếp xúc và đương đầu với thử thách, vấn đề mới sẽ chỉ khiến bạn ngày càng thụt lùi về phía sau mà thôi
Những lời bình luận của cư dân mạng dành tặng sự ngưỡng mộ cho anh H. Ảnh chụp từ màn hình FB. |
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đồng tình với suy nghĩ và quan niệm của anh Tiến Huy, nhiều người lại tỏ ra nghi ngờ, băn khoăn về những "may mắn" mà anh đã có. Nhiều bình luận lên tiếng rằng, ở anh hội tụ cả tài năng và sự thức thời, đặc biệt là đúng thời điểm và cách lựa chọn. Có những người, việc gì cũng "ôm" vào mình, khi cấp trên gọi luôn luôn có mặt ngay lập tức, chưa bao giờ ngại khó, thế nhưng kết quả mà người đó nhận được là trở thành "công cụ sai vặt" của những người khác, khiến họ trở nên vô cùng mệt mỏi.
Một người dùng mạng khác cũng cho rằng: "Công việc của anh Huy là rất đặc thù, không phải công việc nào cũng có thể làm hết như vậy, ôm đồm mọi thứ chỉ khiến bản thân người làm bị ức chế. Hơn nữa, nếu không có những thời điểm may mắn nhất định thì có lẽ anh cũng sẽ không thể thăng tiến dễ dàng như vậy được.
Sau khi nhận được nhiều ý kiến trái chiều về câu chuyện mà mình đã chia sẻ, anh Tiến Huy đã phản hồi lại như sau:
Status phản pháo lại những ý kiến trái chiều. Ảnh chụp từ màn hình FB. |
Sau tất cả những bình luận về sự "may mắn" có được, anh Huy cho rằng:
"Hỏi và đáp xung quanh câu chuyện "Không phải việc của tôi"
1. Nên có một mục tiêu dài hạn để làm cơ sở cho mỗi quyết định làm hay không làm. Trong trường hợp của tôi, tôi muốn thành lập một công ty Việt Nam có thể đứng ngang hàng với các bạn Tây, nên tôi lao vào mọi góc cạnh để tìm hiểu. Đến giờ thì tôi đã có một công ty tạm có thể xem là đứng ngang hàng với một số bạn Tây.
2. Không bao giờ nói "Không phải việc của tôi" không có nghĩa là luôn luôn phải nói "Tôi sẽ làm việc đó", mà là "Tôi sẽ đề xuất cho anh một giải pháp cho việc đó". Có thể là bạn làm, hoặc là không. Điều đó cho thấy leadership skill của bạn.
3. "Đó là do may mắn ở trong môi trường được trọng dụng": Các bạn có quyền đuổi việc sếp của mình nếu các bạn đã làm điều số 2 trong nhiều năm mà không có kết quả.
4. "Anh đã may mắn có cơ hội vì người ta nghỉ việc": Trong thực tế thì khi bạn đã làm tốt, một người sếp tốt đã chuẩn bị sẵn cho bạn quyết định thăng chức ngay khi thời điểm đến. Khi có 1 dự án phù hợp hay một nhân sự nghỉ thì chỉ là một thời điểm tốt để đưa quyết định cho bạn.
5. "Anh mà ở trong môi trường nhà nước thì ...": Môi trường là do chúng ta lựa chọn, không phải ngược lại."
Phản pháo lại những bình luận trái chiều về câu chuyện của mình, anh Huy đã nêu lên tất cả những bằng chứng và cơ sở để khẳng định những việc anh đã thực hiện trong suốt thời gian qua là đúng đắn và dựa trên nỗ lực thực sự của mình.
Một số những bình luận ác ý có thể đã phủ nhận hoàn toàn mọi công sức và khả năng của anh Huy, dù vậy câu chuyện mà vị Giám đốc trẻ tài năng này chia sẻ cũng vẫn là một bài học hay và để lại nhiều kinh nghiệm quý báu cho các bạn trẻ.
Theo Phương Ly / Trí Thức Trẻ
0 nhận xét :
Đăng nhận xét